Cơ thể là “nguồn vốn” tốt nhất. Chỉ có một cơ thể cường tráng và khỏe mạnh mới có thể thực hiện được mục tiêu theo đuổi của mình. Nếu thể lực không cho phép, đừng nói đến lý tưởng, đôi khi việc bước ra khỏi nhà đã là điều rất khó khăn.
Với sự cạnh tranh gay gắt ngày nay, việc phụ huynh quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục của con cái là điều tất yếu. Tuy nhiên mọi việc đều phải có chừng mực.
Cuộc sống hay bài tập về nhà quan trọng hơn? Mới đây, những hình ảnh của nữ sinh trung học cơ sở ở Trung Quốc bị bệnh nhưng vẫn cố ngồi học bài gây tranh cãi.
Được biết, nữ sinh này được mẹ đến bệnh viện kiểm tra và có kết quả bị “viêm phổi diện rộng”, thùy phổi đã chuyển sang màu trắng. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bác sĩ khuyên đứa trẻ nên nhập viện điều trị, nhưng phụ huynh lại từ chối chỉ vì “sẽ làm chậm trễ việc làm bài tập”.
Mẹ của em học sinh còn nói: “Chỉ cần uống thuốc rồi quay lại lớp”. Hành động của bà mẹ khiến ai nấy phẫn nộ nhưng trong mắt các bác sĩ, họ không hề ngạc nhiên. Vị bác sĩ điều trị thẳng thắn nói: “Tôi đã gặp nhiều phụ huynh như thế này rồi. Có thể thấy, họ coi trọng kết quả học tập của học sinh nhưng cái nào quan trọng hơn, mạng sống hay bài tập về nhà? Bố mẹ không biết hay cố tình không biết. Tại sao học sinh buộc phải đến lớp học khi rõ ràng chúng đang cảm thấy rất khó chịu? Phải chăng lãng phí thời gian học tập vài ngày là một “tội lỗi không thể tha thứ”?”.
Nhiều bậc phụ huynh có quan niệm “ăn sâu” trong đầu rằng thành tích học tập là số một, và điểm số thường quyết định tất cả. Họ tin rằng những căn bệnh nhỏ sẽ sớm qua đi. Nếu cứ có chút vấn đề sức khỏe lại ở nhà, chẳng phải khoảng cách của con mình giữa các bạn sẽ ngày càng bị nới rộng sao?
Thời gian trước, Trung Quốc bước vào đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm đường hô hấp theo mùa khiến nhiều trẻ em nhập viện. Nỗi sợ “đứt gãy” chương trình học tập khiến nhiều phụ huynh bắt con phải học và làm bài tập dù đang điều trị.
Trên mạng xã hội nước này, vấn đề thiết lập “khu vực làm bài tập về nhà” trong các bệnh viện cho học sinh tiểu học và trung học trở thành chủ đề tranh luận “nóng”. Sự xuất hiện những khu vực đặc biệt này được ghi nhận ở nhiều tỉnh miền đông Trung Quốc như Giang Tô, An Huy và tỉnh Hồ Bắc.
Những bức ảnh ghi lại cảnh học sinh làm bài tập về nhà trong bệnh viện được lan truyền chóng mặt trên không gian mạng. Các bệnh nhân nhỏ tuổi được cung cấp bàn, ghế và khung truyền dịch rất cao để có thể vừa học bài, làm bài vừa truyền tĩnh mạch. Có một số phụ huynh cũng ở đó cùng con, giúp đỡ và giám sát trẻ học.
Rất nhiều người phẫn nộ lên án việc thiết lập khu vực bài tập về nhà ở bệnh viện, cho rằng điều này sẽ tạo áp lực rất lớn cho học sinh. Nhiều bình luận gay gắt: “Những đứa trẻ này có thể bị bệnh về thể chất, nhưng những người lớn lại bị bệnh về tinh thần”; “Các bậc phụ huynh có vẻ nhẹ nhõm và hài lòng khi thấy con mình làm bài tập về nhà. Có vẻ như điều này khiến họ lo lắng hơn là áp lực mà học sinh gặp phải”.
Lịch trình của trẻ không nên được lấp đầy, cần phải cho phép các em nghỉ ngơi khi ốm, khóc khi buồn, hoặc không làm gì trong một thời gian và điều này cũng quan trọng như việc vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học.
Cha mẹ cũng cần phân biệt rõ ràng giữa các ưu tiên. Sức khỏe thể chất quan trọng hơn nhiều so với kết quả học tập. Đúng là “kiến thức thay đổi vận mệnh”, nhưng thể lực là điều kiện tiên quyết hàng đầu.