Hàng trăm ngôi mộ được xây sẵn khi dưới mộ không có hài cốt, chính quyền địa phương cho rằng không có hiện tượng ‘phân lô, bán mộ chờ’ nhưng thừa nhận việc buông lỏng quản lý dẫn đến thực trạng này.
Nhiều năm trở lại đây, người dân thôn Cốc Phong (xã Chí Tân, H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) bức xúc trước thực trạng hàng trăm ngôi mộ chờ được xây dựng trái phép trên địa bàn thôn, và cho rằng có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.
Đề nghị làm rõ việc xây dựng trái phép hàng trăm ngôi mộ chờ
Dẫn PV Báo Thanh Niên tới nghĩa trang của thôn Cốc Phong, ông Nguyễn Khắc Xuân (74 tuổi, trú tại thôn Cốc Phong, xã Chí Tân) chỉ tay về khu vực cuối của nghĩa trang và nói: “Đấy, anh thấy, các ngôi mộ chờ được xây dựng rất nhiều, cũ có, mới có. Việc này đã diễn ra nhiều năm, chúng tôi có kiến nghị với các cấp chính quyền nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng”.
Theo quan sát của PV, đúng như những gì ông Xuân nói, ngoài những ngôi mộ bên dưới có hài cốt nằm tại nghĩa trang thôn Cốc Phong hàng chục năm gần đường, đi sâu xuống dưới, tại khu vực cuối có hàng trăm ngôi mộ chờ đã được xây dựng. Có những ngôi mộ chờ đã ngả màu rêu xám, có những ngôi mộ chờ khác thì mới được xây dựng, còn nguyên màu sáng của nước xi măng.
Ông Xuân chỉ cho PV những ngôi mộ chờ mới được xây dựng
Dù các ngôi mộ chờ này cũ hay mới, nhưng có một điểm chung là bên dưới không có hài cốt, không có bát hương thờ phụng, có ngôi mộ được đậy bằng một tấm bê tông, có ngôi mộ thì lộ rõ nguyên hố trống không bên dưới. Mộ được xây theo cùng một kích thước, khoảng cách và có hàng lối.
Ông Xuân cho hay, những ngôi mộ chờ này được chính quyền thôn Cốc Phong xây sẵn, khi ở địa phương có người chết sẽ được an táng tại đây và có thu phí tiền công xây dựng. Nhưng, với những người không sinh sống tại địa phương mà có quê quán tại đây cũng có suất, phải bỏ ra 5 – 10 triệu đồng/suất để mua.
“Những ngôi mộ chờ có tên viết tắt phía sau là đã có chủ, còn những ngôi mộ chưa có tên viết tắt thì đang chờ người có nhu cầu”, ông Xuân lý giải.
MINH PHONG
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lộc (72 tuổi, trú tại thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân) cho rằng người mất phải có chỗ an táng là lẽ tự nhiên, thế nhưng việc xây dựng hàng trăm ngôi mộ chờ, thu tiền của người dân và của những người xa quê hương thì được ví như những cuộc mua bán, và như vậy cũng không đúng với quy định của luật Đất đai.
Bất bình trước sự việc này, ông Xuân, ông Lộc đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên, H.Khoái Châu và xã Chí Tân. Mặt khác, họ cũng đề nghị làm rõ việc thu chi, quản lý số tiền thu từ các ngôi mộ chờ này từ chính quyền thôn Cốc Phong, khi việc thu chi không được minh bạch.
Chính quyền khẳng định thừa nhận buông lỏng quản lý
Trong tháng 7, ông Xuân và ông Lộc đã nhận được thông báo về việc chuyển đơn của nhiều cơ quan như: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hưng Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thanh tra Công an tỉnh, Huyện ủy Khoái Châu…
Đến ngày 9.7, UBND H.Khoái Châu đã gửi phiếu chuyển đơn của các công dân trên tới UBND xã Chí Tân để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền để trả lời công dân cũng như báo cáo kết quả đến UBND huyện.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Đào Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Chí Tân, cho biết trong tháng 7, chính quyền xã đã mời các công dân có tên trong đơn đến để giải quyết sự việc.
“Trước đó, tại cuộc họp vào tháng 12.2023, các cử tri thôn Cốc Phong đã có ý kiến về việc này. Sau đó, UBND xã đã lập đoàn kiểm tra thực tế tại nghĩa trang thôn Cốc Phong, thực tế thời điểm đó ghi nhận có 254 ngôi mộ chờ được xây sẵn, cả mộ chờ cũ và mới”, ông Sinh trình bày.
Khi được hỏi về phản ánh của người dân về tình trạng “phân lô, bán mộ chờ”, và PV có đưa cho lãnh đạo xã Chí Tân xem danh sách thống kê thu tiền của trưởng thôn Cốc Phong giai đoạn từ năm 2014 – 2017 của nhiều người với số tiền từ 5 – 10 triệu đồng, ông Sinh khẳng định không có tình trạng mua bán mộ chờ.
“Đây là số tiền người dân địa phương và những người ở xa quê hương ủng hộ đóng góp xây dựng nghĩa trang của thôn và được tạo điều kiện 1 – 2 suất mộ chờ sẵn”, ông Sinh nói.
Về kiến nghị của công dân về quản lý các hoạt động thu chi từ nghĩa trang thôn Cốc Phong có sự mập mờ, không công khai, đến nay vẫn chưa có thống kê cụ thể về tài chính qua một số đời trưởng thôn, đặc biệt là thời gian ông Đinh Văn Thương làm trưởng thôn từ năm 2019 – 2023, ông Sinh trình bày, trong thời gian ông Thương làm trưởng thôn Cốc Phong, đến cuối năm 2023, ông Thương bị bệnh nặng, trước khi mất, ông này nói chuyện với vợ và có di nguyện bàn giao 310 triệu đồng từ các hoạt động thu chi trong thôn cho vợ và nhờ vợ bàn giao lại cho thôn.
Tuy nhiên, đến nay số tiền này vẫn chưa bàn giao được vì trưởng thôn mới cũng đang bị bệnh, phải đi bệnh viện điều trị, khi nào tình hình ổn định thì sẽ tiếp quản.
Theo lãnh đạo xã Chí Tân, vụ việc xảy ra ở thôn Cốc Phong liên quan đến các hoạt động quản lý nghĩa trang là sai với các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, và nhận trách nhiệm có sự buông lỏng quản lý của chính quyền đã dẫn đến thực trạng này.
Về phương hướng giải quyết, ông Sinh cho biết, đối với 254 ngôi mộ chờ xây sẵn tại nghĩa trang thôn Cốc Phong, chính quyền xã yêu cầu thôn giữ nguyên hiện trạng, đồng thời giám sát, nghiêm cấm các hoạt động xây dựng mới, hoàn thiện báo cáo gửi UBND H.Khoái Châu.