2 năm qua, Tuấn Vỹ là cái tên được cộng đồng mạng nhắc đến với công việc chuyên giúp đỡ những gia đình tìm lại người thân thất lạc. Những cuộc chia ly, hội ngộ khiến bao người rơi nước mắt.
Cái phước của người mắc “bệnh”… bao đồng
Chứng kiến những cuộc đoàn tụ đầy nước mắt của những người thất lạc gia đình hàng chục năm, chính Tuấn Vỹ (tên thật là Trịnh Xuân Công, SN 1977, ngụ tại tỉnh Đồng Tháp) thừa nhận, bản thân anh cũng luôn phải cố nén xúc động, để làm chỗ dựa tinh thần cho nhân vật của mình.
Tuấn Vỹ chính là chủ nhân kênh Youtube “Tuấn Vỹ – kết nối yêu thương”, với gần 2 triệu lượt đăng ký. Mỗi video anh đăng tải đã lấy đi nước mắt của hàng triệu người. Hơn 2 năm qua, anh tiếp nhận thông tin cả ngàn trường hợp thất lạc người thân, thành công với việc tìm lại gia đình cho hàng trăm gia đình trên khắp cả nước. Các hoạt động này đều miễn phí.
Anh Vỹ chia sẻ, có một số trường hợp chỉ sau 20 phút đăng tin đã tìm được thân nhân. Những khoảnh khắc ấy, không chỉ nhân vật mà bản thân anh cũng cảm thấy bất ngờ vì sự kỳ diệu của cuộc sống.
“Những người thất lạc gia đình nếu còn giữ đầy đủ thông tin về tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh… sẽ tìm được thân nhân nhanh hơn. Cách đây vài tháng, tôi vừa tổ chức đoàn tụ cho một người phụ nữ tên Chụt, lạc mất gia đình ở Quảng Trị”, anh Vỹ kể lại.
Trong những năm bom rơi đạn lạc, cô Chụt theo ông ra chợ buôn bán thì lạc mất gia đình từ ngày đó. Tháng ngày ăn bờ, ngủ bụi, cô may mắn được một gia đình cưu mang. Lớn lên, cô Chụt kết hôn, vào Vũng Tàu sinh sống nhưng lúc nào cũng đau đáu, muốn tìm lại cội nguồn của mình.
Thông qua chương trình, người phụ nữ cho Tuấn Vỹ những thông tin khá mơ hồ, “chắp vá”. Nhưng kỳ diệu là chỉ sau 20 phút câu chuyện được đăng tải, một người đàn ông tên Đạt đã liên hệ, hẹn gặp mặt lần đầu qua điện thoại. Trong cuộc gặp đầu tiên, hai bên đã trao đổi những thông tin thật sự trùng khớp. Nhờ vậy, cả gia đình mới đoàn tụ trong nước mắt hạnh phúc.
Anh Vỹ chia sẻ, có không ít nhân vật của mình là Việt kiều, sống ở nước ngoài, không thể giao tiếp bằng tiếng Việt nhưng vẫn muốn tìm ba hoặc mẹ ruột mà mình thất lạc trong những năm tháng “bom rơi đạn lạc”.
“Những Việt kiều tìm người thân chiếm khoảng 20% số trường hợp mà tôi tiếp nhận. Việc tìm kiếm người thân còn sống ở Việt Nam sẽ dễ hơn tìm người thất lạc ở nước ngoài. Bởi trong nước, cộng đồng người Việt rất dễ lan tỏa thông tin”, anh Vỹ nói.
Trân trọng cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt
Nói đến đây, ánh mắt của anh Vỹ có phần đượm buồn khi nhắc đến nhiều trường hợp phải mất vài năm mới có, thậm chí vẫn chưa có được kết quả mong muốn.
Một trong số những trường hợp khiến anh thấy nuối tiếc nhất là câu chuyện của một nữ Việt kiều Mỹ. Theo lời kể của anh Vỹ, hơn 40 năm qua, người mẹ này đã in và phát rất nhiều tờ rơi, tìm kiếm đứa con thất lạc của mình khắp nơi.
“Không ít lần tôi đã kết nối được người thất lạc với gia đình nghi là thân nhân của họ. Sau khi trao đổi, thấy mọi thông tin trùng khớp, hai bên vỡ òa vì nghĩ đã tìm được rồi, tôi phần nào cũng thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, khi xét nghiệm ADN thì kết quả không trùng khớp.
Hành trình tìm lại thân nhân cho người thất lạc không phải dễ, bởi mất nhiều thời gian và công sức. Nỗi sợ lớn nhất chính là cuối cùng đã tìm được rồi, nhưng người thân của họ không còn đủ sức để chờ đợi nữa…”, anh Vỹ nghẹn ngào nói.
Anh Vỹ càng xúc động và trân trọng cuộc sống hơn khi thấy những nhân vật của mình chấp nhận đánh đổi công sức, thời gian, thậm chí toàn bộ tài sản mà họ có, chỉ mong đổi lấy một lần được gặp lại người thân ruột thịt.
“Ngoài kia, biết bao nhiêu người sống hàng chục năm trên đời vẫn chưa biết mặt mũi ba mẹ mình ra sao. Đó là điều khiến họ luôn dằn vặt và nuối tiếc. Có gia đình bên cạnh, có một cuộc sống bình thường, đủ ăn, đủ mặc, tôi thấy mình đã hạnh phúc, may mắn hơn nhiều người”, anh Vỹ chia sẻ.
Vậy nên đối với Tuấn Vỹ, công việc này mang lại cho anh rất nhiều thứ so với những gì anh cho đi.
Kể từ khi thành lập kênh tìm kiếm thân nhân thất lạc, cuộc sống của anh Vỹ trở nên tất bật. Công việc thường bắt đầu ngay khi anh vừa ngủ dậy. Hằng ngày, anh phải tiếp xúc, ghi hình, tìm hiểu ít nhất 10 trường hợp.
“Thật ra, được làm những việc này, đối với tôi đó là cái phước lớn của đời mình. Cái phước ấy chính là cơ hội được giúp đỡ người khác, lan tỏa sự tích cực, được yêu và cảm thấy hạnh phúc với công việc mình đang làm. Sự yêu thương của khán giả là một trong những yếu tố tạo động lực cho tôi tiếp tục hành trình”, anh Vỹ bộc bạch.