Dự án đường tránh Đông thành phố Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư 1.800 tỉ đồng chưa thi công xong đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, xuống cấp.
Xuất hiện nhiều vết bong tróc mặt đường
Sáng 4.12, tại Km9+450 – Km9+900 (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông thành phố Buôn Ma Thuột) phóng viên Báo Lao Động ghi nhận mặt đường xuất hiện nhiều vết bong tróc mặt đường. Một số điểm đã xuất hiện tình trạng sụt lún, gây mất an toàn giao thông.
Chị Nguyễn Thị Bích, một người dân ở khu vực này chia sẻ: “Mật độ phương tiện lưu thông qua đoạn đường này những tháng qua rất lớn. Xe tải, xe ben… trọng tải lớn di chuyển với tốc độ rất nhanh. Ở Km9+450 – Km9+900 mới được thi gần đây nhưng đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, hư hỏng”.
Điều đáng nói, dự án đường tránh Đông thành phố Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư 1.800 tỉ đồng với tổng chiều dài 39,61km vẫn đang trong quá trình thi công, chưa nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
Liên quan đến dự án này, cuối tháng 11.2024, Cục quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) đã kiểm tra thực tế dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên đoạn tuyến Km9+450 – Km9+900 do nhà thầu là Công ty TNHH xây dựng và thương mại Sài Gòn thi công. Tại đây đã có một số vị trí bị hư hỏng, bong tróc mặt đường.
Do đó, Cục quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng thi công, xác định nguyên nhân và có giải pháp xử lý đảm bảo chất lượng công trình.
Lỗi do nhà thầu thi công
Trước thực trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về việc xây dựng, kiểm tra sự tuân thủ các quy định về công tác quản lý chất lượng, an toàn trong thi công.
Cũng theo Cục quản lý đầu tư xây dựng hiện còn 1,7/39,61km chưa bàn giao mặt bằng. Một số đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng vẫn còn hộ dân không đồng thuận với phương án đền bù, chưa nhận tiền và đang vướng 1 trụ điện cao thế.
Tổng giá trị khối lượng thi công dự án ước tính khoảng 580 tỉ đồng (đạt khoảng 59% giá trị hợp đồng), chậm khoảng 17% so với kế hoạch đề ra.
Ngoài nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng chậm. Mặt khác, Cục quản lý đầu tư xây dựng nhận định có phần do lỗi chủ quan của nhà thầu thi công.
Đối với phần khối lượng công việc do Công ty TNHH xây dựng và thương mại Sài Gòn thực hiện trên cả 2 gói thầu còn lại rất lớn. Tuy nhiên, tiến độ thi công của nhà thầu rất chậm, khó hoàn thành (đối với phạm vi đã bàn giao mặt bằng) trước ngày 31.12.2024 theo mốc thời gian đề ra.
Riêng các nhà thầu còn lại có thể hoàn thành các công việc theo hợp đồng (đối với phạm vi đã có mặt bằng) theo tiến độ đã được gia hạn.
“Công ty TNHH An Nguyên có số lượng thiết bị, vật tư thi công trên tuyến rất nhiều, tốc độ triển khai nhanh, có thể đẩy nhanh tiến độ và điều phối nội bộ để hỗ trợ thi công cho các nhà thầu khác nếu cần” – Cục quản lý đầu tư xây dựng nêu rõ.